Không chỉ nổi tiếng với 12 thắng cảnh, Quảng Ngãi còn là vùng đất có văn hoá tâm linh, tín ngưỡng phát triển. Nơi tồn tại rất nhiều ngôi chùa cổ, có lịch sử hình thành lâu đời cũng như gắn bó với nhiều sự kiện thời chiến tranh. Trong bài viết này, Top 5 Quảng Ngãi sẽ lần lượt giúp bạn khám phá 5 ngôi chùa cổ với nét kiến trúc độc đáo, nên ghé thăm dù chỉ một lần khi đến với miền đất Quảng.
Chùa Thiên Ấn
Chùa Thiên Ấn- ngôi chùa cổ với hơn 300 năm tuổi
“Thiên Ấn Niêm Hà” được mệnh danh là đệ nhất phong cảnh trong “Thập đại phong cảnh” của Quảng Ngãi. Có thể nói, địa danh đã gắn liền với tỉnh nhà khá đậm sâu trong lòng khách thập phương, bởi khi nhắc đến vùng đất Quảng, người ta sẽ nghĩ ngay đến núi Ấn Sông Trà. Trong sách 12 thắng cảnh đẹp của Quảng Ngãi, thì Thiên Ấn Niêm Hà được ví là ấn trời niêm trên dòng sông xanh sông Trà.
Chùa Thiên Ấn tọa lạc trên đỉnh Thiên Ấn ở phía đông TP.Quảng Ngãi và cách trung tâm TP tầm 3,5km. Đỉnh núi Thiên ́nằm bằng phẳng, bao quát một vùng không gian rộng lớn với những ruộng đồng, đồi núi, làng mạc, sông nước, hợp thành một bức tranh phong cảnh hữu tình. Chùa Thiên Ấn thuộc địa phận xã Tịnh Ấn, Huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Khai sơn từ năm 1716, vào thời vua Lê Dụ Tông, đến nay, chùa đã có hơn 300 năm tuổi.
Chùa không chỉ nổi tiếng rất linh thiêng, cảnh sắc đẹp mà còn thu hút sự tò mò của nhiều người bởi những câu chuyện truyền thuyết tâm linh huyền bí:
Chuông thần
Quả chuông lớn trong chùa được đúc ở làng Chí Tượng, nay là xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức. Tương truyền, quả chuông này đúc xong, đánh không kêu. Năm 1845, thiền sư Bảo Ấn, tổ sư thứ ba của chùa đang thiền thì thấy có một vị hộ pháp báo mộng tới làng Chí Tượng thỉnh quả chuông về. Sau thiền sư cầu nguyện, tiếng chuông đã vang khắp cả vùng.
Giếng phật
Cách chuông thần không xa về phía đông là giếng phật, sâu 21m, có đường kính 3m được đào từ lúc khai sơn. Giếng được xây bằng đá ong rất đẹp mắt. Dân trong vùng vẫn truyền tai nhau về sự linh thiêng của giếng Phật.
Con đường gập ghềnh lên chùa
Truyền tai nhau sự tích rằng. Xưa kia đỉnh núi Thiên Ấn rất hoang sơ, nhiều thú dữ nên không có bất kỳ người dân nào sinh sống. Sau này có rồng hạ phạm rồi rơi trên đỉnh núi Thiên Ấn, tạo thành những phần đất lở. Sau này người dân mới đến đây tu sửa lại, xây nhà làm ruộng và sinh sống. Con đường lên chùa quanh co là thân của con rồng tạo thành khi rơi xuống. Vị trí chùa tọa lạc chính là đầu rồng.
Chùa Diệu Giác
Chùa Diệu Giác có kiến trúc hình chữ “khẩu” dù được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét cổ kính độc đáo
Chùa Diệu giác là một trong những ngôi chùa cổ được xây dựng sớm nhất tại Quảng Ngãi. Theo lời truyền lại: Chùa được xây dựng vào năm Bính Ngọ 1666, gắn với những truyền thuyết về Huyền Trân công chúa.
Chùa tọa lạc sát phía tây quốc lộ 1A, thuộc thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, cách trung tâm khoảng 20km về hướng Bắc. Theo lời truyền lại, xưa kia chùa được xây dựng theo kiểu chữ Tam, có 2 tầng mái chồng diêm, bốn góc uốn cong gắn đầu phụng. Năm Tự Đức thứ hai – 1848 xây thêm bảo tháp Quán thế âm ở sân chùa. Nội thất ngôi chùa khá uy nghi, gian chính điện có bức hoành phi sơn son dát đồng.
Sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc chùa có sự thay đổi, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, tôn nghiêm của ngôi chùa có lịch sử gần 400 năm. Hiện nay, chùa có kiến trúc hình chữ “khẩu” (hình vuông). Đi vào sẽ gặp ngay Đại hùng bửu điện.
Hiện nay, chùa đã trở thành nơi gắn bó với người dân trong văn hoá tâm linh tín ngưỡng. Hàng năm chùa tổ chức những ngày vía, lễ Vu Lan, Phật Đản… thường xuyên và được người dân cùng với các du khách hành hương tham gia dự lễ và chiêm bái thường xuyên.
Chùa Khánh Vân
Chùa Khánh Vân gắn bó với nhiều sự kiện lịch sử chống giặc của Việt Nam
Chùa Khánh Vân tọa lạc trên sườn núi Khánh Vân, thuộc xóm Khánh Vân, thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện, cách trung tâm TP.Quảng Ngãi hơn 10km. Chùa khai sơn vào năm 1792 là nơi mang nhiều giá trị văn hóa tâm linh, nơi lưu lại dấu chân vân du của nhiều vị cao tăng đắc đạo, là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng. Do đó, chùa được xem như chứng nhân ghi dấu chặng đường lịch sử oai hùng của quê hương Quảng Ngãi.
Chùa được thiết kế theo kiểu kiến trúc hình chữ tam, gồm nhà tiền đường, nhà chính điện (bái đường) và nhà tăng đường (nhà tổ). Bên cạnh chùa chính liên tiếp về phía Đông là nhà khách và nhà bếp. Đây được hiểu là kiểu kiến trúc nhà rường, gồm ba gian hai chái.
Không giống như bao ngôi chùa khác ở Quảng Ngãi thường nghi ngút khói hương và tấp nập du khách đi vãn chùa. Chùa Khánh Vân nằm trầm mặc trên sườn núi, chỉ có những ngày sóc vọng mới có nhiều người lên vãn cảnh, cúng dường.
Chùa Ông
Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc Việt – Hoa
“Phố cổ” Thu Xà ở Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi được mệnh danh là mảnh đất của những ngôi chùa. Đi dọc con đường chính về hướng biển sẽ thấy thấp thoáng những mái chùa cong cong, những bức tượng Phật xen lẫn mùi hương trầm. Trên địa bàn xã hiện có khoảng chục ngôi chùa lớn, nhỏ, nhưng có lẽ nổi tiếng hơn hết phải nói đến Chùa Ông.
Chùa Ông được người Hoa sinh sống tại Quảng Ngãi đứng ra xây dựng năm 1821, do tứ bang Minh Hương: Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông cùng nhau tạo lập.
Có lịch sử hình thành 200 năm, và trải qua 4 lần trùng tu với sự đóng đóng góp của quan lại triều nhà Nguyễn, thương gia và dân chúng ở Quảng Ngãi. Đến nay, kiến trúc chùa vẫn giữ được nguyên vẹn. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc Việt – Hoa trong một tổng thể giàu tính thẩm mỹ.
Từ ngoài vào, các công trình của chùa gồm tam quan, bình phong và trụ biểu, lầu trống và lầu chuông, chánh điện được bố trí theo một trục đạo với một bố cục chặt chẽ, đăng đối và tuần tự.
Nghệ thuật trang trí của chùa cực kỳ tinh xảo với kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng trên các bình phong, cột, khám thờ, tượng, diềm bia… Chùa được công nhận là Di tích quốc gia năm 1993.
Chùa Diêm Điền
Chùa Diêm Điền được xếp vào một trong “ngũ đại danh tự” của tỉnh Quảng Ngãi
Chùa Diêm Điền được xếp vào một trong “ngũ đại danh tự” của tỉnh Quảng Ngãi, cùng với Chùa Ông, chùa Hang, Chùa Thiên Ấn và Hoa Nghiêm.
Chùa được xây dựng vào năm 1850, với truyền thuyết được kể lại: thuở trước, Diêm Điền là vùng đầm phá nhiễm mặn, người dân làm nghề đánh cá, trồng lát dệt chiếu, mùa nắng làm muối.
Có một thời gian, cả vùng Diêm Điền bị nhiễm mặn nghiêm trọng, các giếng trong làng đều bị mặn, người dân không có nước ngọt để dùng. Một hôm có một nhà sư và một chú tiểu đến dựng am thờ Phật, ban đêm tụng kinh, ban ngày đào giếng.
Đến khi giếng được đào xong và có nước ngọt thì nhà sư và chú tiểu đã đi. Để tưởng nhớ công ơn của hai vị, người dân Diên Điền đã lập một đền thờ ngay tại am Phật. Về sau, chùa Diên Điền được xây dựng ngay tại vị trí này. Ngày nay, giếng nước này vẫn còn ngay bên cạnh chùa, và người dân cung kính gọi bằng “Giếng Chùa”.
Hy vọng những thông tin được Top 5 Quảng Ngãi tổng hợp và biên tập sẽ giúp ích được bạn trong quá trình tìm hiểu về những ngôi chùa cổ ở Quảng Ngãi.
Nếu thích thì like, hay thì share bạn nhé!
Xem thêm:
Thông Tin Liên Hệ:
Bạn muốn đưa doanh nghiệp, cửa hàng, địa chỉ, shop,.. của mình vào bài viết này. Hoặc muốn đặt banner quảng cáo, vui lòng liên hệ: 0766.476.476
Hãy Tham Gia Bấm Theo Dõi:
- Group: https://www.facebook.com/groups/congdongreviewquangngai
- Fanpage: https://www.facebook.com/QuangNgaiTOP5
- Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCgBaOXwa89ebC8wfNS0fXfQ
Để Không Bỏ Lở Những Thông Tin Hữu Ích , Chính Xác Và Cập Nhật Liên Tục